Những gì mà Erik, một nghệ sĩ trẻ đang phải gồng mình giữ lấy vị trí hàng đầu cũng là áp lực chung không ít các nghệ sĩ Việt đang trải qua hiện tại.
Tính đến thời điểm hiện tại, Erik đang là một trong những nghệ sĩ trẻ nổi bật nhất nhì Vpop. Chỉ trong vòng 10 tháng, Erik sở hữu tới hai sản phẩm âm nhạc giữ vị trí Top 1 Trending YouTube Việt Nam là Có Tất Cả Nhưng Thiếu Anh và Em Không Sai, Chúng Ta Sai cùng hàng loạt MV cán mốc 100 triệu view. Dù vậy, Erik vẫn tự nhận mình chỉ đang trong giai đoạn xây dựng sự nghiệp và còn muốn tô điểm cho âm nhạc có chiều sâu hơn nữa.
Khác với những bản ballad da diết, thể hiện nội tâm sâu lắng của một người đàn ông, khi nói về công việc ca hát, Erik trở thành một người nghệ sĩ thực tế đến mức sẵn sàng nhắc thẳng chuyện tiền bạc. Thậm chí, Erik đã tự thừa nhận mình từng chạy theo xu hướng để chiều lòng khán giả nhiều hơn là bộc lộ cá tính, con người thật của mình trong âm nhạc. Không mộng mơ tới những lý tưởng xa rời thực tại, những gì Erik - một nghệ sĩ trẻ đang phải gồng mình giữ lấy vị trí hàng đầu trên Top Trending YouTube chia sẻ chính là thực tế đang tồn tại ở làng nhạc Việt.
Erik chia sẻ về Top Trending YouTube và bảng xếp hạng âm nhạc tại Việt Nam.
Chưa bao giờ thiếu hit, thường xuyên lên Top 1 Trending YouTube. Nhưng nhiều người vẫn nói đây không phải bước tiến quá dài và ấn tượng trong sự nghiệp của Erik?
Tôi luôn muốn làm được nhiều hơn thế. Tôi cũng cố gắng làm những sản phẩm đúng xu hướng để có thể thành công và được khán giả yêu quý. Đôi khi, sản phẩm ấy chưa hẳn là những gì tôi muốn làm. Trong tương lai, tôi vẫn mong được bộc lộ cá tính và con người thật của mình nhiều hơn. Từ đó, khán giả sẽ thấy một Erik trưởng thành, có chiều sâu hơn.
Vậy đâu là ranh giới giữa việc tạo ra sản phẩm thành công và được làm điều mình thích?
Mỗi lần ra mắt sản phẩm mới, tôi đều lo lắng rất nhiều. Bây giờ đi diễn, gặp bất kì ai cũng nghe câu: “Ôi Erik ra bài nào hit bài đấy", mặc dù vui nhưng cũng là áp lực vô hình đè nặng lên mình. Nếu sản phẩm sau không được như sản phẩm trước thì khán giả sẽ thất vọng, tên tuổi của mình sẽ bị ảnh hưởng. Tôi luôn quan sát thị trường Việt Nam, hiểu khán giả cần gì và muốn gì để tạo ra một ca khúc đủ sức giữ vững độ hot.
Nhưng nếu dùng Top Trending YouTube để đo độ hot, tức là Erik sẽ mãi mãi chiều lòng khán giả và hát ballad?
Tôi đã từng chia sẻ rất nhiều rằng Việt Nam đang thiếu một bảng xếp hạng để đánh giá đúng đắn hơn về chất lượng của một sản phẩm âm nhạc. Một phần thành công của Em Không Sai, Chúng Ta Sai được thể hiện qua lượt view và thứ hạng trên Top Trending YouTube, nhưng đó không phải là tất cả. Mặc dù Em Không Sai, Chúng Ta Sai thuộc thể loại ballad nhưng tôi đã sáng tạo nên một vũ điệu ngu ngốc để khán giả hiểu rằng tôi có thể trình diễn, thể hiện vũ đạo được.
Tôi từng thử nghiệm với dance, nhưng sự chuyển mình ấy nhanh quá, mọi người không thể đón nhận ngay lập tức. Erik mạnh về ballad, chắc chắn khán giả sẽ tìm đến tôi khi cần nghe những ca khúc ballad. Biết rằng thị trường ngoài kia thiếu màu sắc âm nhạc phong phú, nhưng tôi cũng phải xem bản thân mình có làm được hay không chứ? Xu hướng âm nhạc trên thế giới là vậy, nhưng áp dụng vào Việt Nam thì khán giả chưa thực sự thấm được đâu. Việt Nam luôn đi chậm hơn một chút, không thể nào đi song song với nền âm nhạc thế giới được.
Bị khán giả quay lưng vì thay đổi quá đột ngột cũng không phải trải nghiệm dễ chịu với nghệ sĩ, nhưng việc này lại quá thường tình ở Vpop?
Đúng, đã có những khán giả quay lưng với tôi. Tôi không thể chiều lòng tất cả quý vị khán giả. Khi làm nghề, phải cảm thấy thích những cái mình làm thì mới có thể làm tốt hơn được. Những ai hiểu mình chắc chắn sẽ đi với mình một chặng đường rất dài, còn với những ai cảm thấy sự thay đổi của mình là không cần thiết thì tôi cũng không quá tiếc nuối đâu. Tôi tôn trọng quyết định của họ và không thể bắt họ mãi mãi hâm mộ mình.
Bạn nghĩ sao về trách nhiệm của mình, một nghệ sĩ trẻ đang được thế hệ khán giả 9x, 10x hâm mộ nhiều thì cần giúp khán giả cập nhập những xu hướng âm nhạc mới?
Đó là trách nhiệm của tôi, nhưng nghệ sĩ nào cũng phải chạy theo đồng tiền cả thôi. Mỗi lần làm sản phẩm sẽ tốn rất nhiều tiền. Hồi tôi mới debut, một sản phẩm trị giá 100 - 200 triệu đã rất đẹp, còn hiện tại kinh phí gấp 10 lần thì mới được coi là chỉn chu, chất lượng. Với nhiều người và ngay cả bản thân tôi cũng sợ làm sản phẩm theo ý thích của mình rồi lại không thành công. Không ai muốn bỏ một số tiền khổng lồ để rồi không “gặt” lại được điều gì cả.
Tôi lấy anh Sơn Tùng M-TP ra làm cột mốc để cố gắng, bởi vì anh Tùng đã thành công và có mọi thứ trong tay rồi. Khi Sơn Tùng làm những gì anh ấy thích, khán giả buộc phải nghe nhạc mà anh ấy làm. Trong tương lai, khi tôi ngày càng thành công hơn, có chỗ đứng vững chắc hơn, tôi sẽ cố gắng định hướng cho khán giả nghe gì, xem gì.
Nghệ sĩ thường tránh nói về vấn đề kinh tế, còn Erik lại không hề né tránh vấn đề nhạy cảm này trong mọi cuộc phỏng vấn. Bạn không sợ nó khỏa lấp đi đam mê và lý tưởng âm nhạc của mình trong mắt khán giả?
Đây là vấn đề thực tế. Có thể mọi người né tránh nhưng với tôi, kinh tế là yếu tố quyết định. Nếu bạn có chất xám hay tài năng nhưng không có kinh tế thì làm sao phát huy những điều đó được? Khi mình đã vững vàng về kinh tế và có mọi thứ trong tay, làm sáng tạo sẽ dễ dàng hơn. Tôi đặt kinh tế lên vị trí thứ hai đấy, chỉ sau chất lượng âm nhạc thôi.
Chuyện nghệ sĩ Việt bỏ hàng tỷ đồng làm MV cũng không hiếm, chính Hòa Minzy - một người bạn thân thiết của Erik còn vay nóng ngân hàng để làm Không Thể Cùng Nhau Suốt Kiếp. Liệu cuộc chơi này có đang tốn kém đến mức… không đáng?
Chưa có sản phẩm nào tôi đầu tư quá 1 - 1,5 tỷ cả. Đây là con số trong khả năng của tôi. Với chị Hòa Minzy thì Không Thể Cùng Nhau Suốt Kiếp là một bước đi mạo hiểm thực sự, gần như không có một nhà tài trợ nào. Chị đã đặt tất cả niềm tin vào sản phẩm này, “được ăn cả ngã về không". Nghệ sĩ Việt cần kinh tế, nên mới phải kiếm từ các hợp đồng quảng cáo và show diễn, làm MV thì cần tài trợ. Nếu không có tài trợ, nghệ sĩ sẽ thỏa thích sáng tạo hơn.
Tôi muốn từng lần trở lại Vpop, mình phải thực sự thành công. Âm nhạc không thôi thì không thể đủ vì khán giả Việt vừa nghe, vừa xem. Tôi buộc phải đầu tư làm MV hay để đẩy bài hát lên. Hai yếu tố này nên cộng hưởng cùng nhau chứ không thể tách rời.
Nhưng bạn mong chờ mình sẽ có một ca khúc được nghe đi nghe lại, hay một MV được người ta “cày" view cho lên Top 1 Trending rồi thôi?
Em Không Sai, Chúng Ta Sai có cốt truyện vô cùng đơn giản, hình ảnh đẹp vừa đủ, không có gì khiến khán giả phải suy ngẫm cả. Tôi muốn họ tập trung vào âm nhạc. Họ có xem hình ảnh thì cũng là yếu tố cộng hưởng khiến ca khúc thêm hay.
Một bài hát hay chắc chắn sẽ có sức sống bền bỉ hơn một MV đẹp, vì người ta sẽ bật đi bật lại để nghe, còn hình ảnh dù đẹp đến mấy, họ cũng xem một vài lần rồi thôi. Tôi muốn người ta nghe đi nghe lại ca khúc của mình cả trăm lần, nên tôi đầu tư cho chất lượng âm nhạc hơn cả.
Những gì thịnh hành thì thường qua rất nhanh nên mong muốn có một ca khúc được nghe đi nghe lại cả trăm lần của bạn có vẻ khó ở thời đại này?
YouTube và Top Trending chỉ thể hiện một phần sự quan tâm của khán giả dành cho hình ảnh và ca khúc. Bảng xếp hạng âm nhạc là rất quan trọng và rất cần cho nền âm nhạc Việt Nam hiện nay. Cái tôi mong chờ là sự đánh giá từ giới chuyên môn, lượt streaming nhạc số và bình chọn của khán giả. Khi ấy, ca khúc nào được lên Top 1 hay vào Top 5 thì đó chắc chắn là một sản phẩm chất lượng, được nhiều người quan tâm. Nó sẽ giúp khán giả nhìn một bài hát có chất liệu mới, đúng với xu hướng và định hướng cho họ nên nghe gì nhiều hơn.
Bạn có nghĩ sự quan tâm mà khán giả dành cho sản phẩm trên YouTube hơi… dễ dàng quá? Bởi vì đó là một nơi miễn phí với những giá trị “vàng thau lẫn lộn".
Ví dụ bạn mua quần áo thì cũng phải suy nghĩ cái nào hợp với mình, cái nào đẹp hơn. Nghe nhạc cũng vậy, nếu bạn trả phí thì bạn sẽ suy nghĩ bài này có hay không, có đáng để mình bỏ tiền ra không. Chuyện trả phí sẽ giúp khán giả có cái nhìn sâu sắc hơn về một bài hát và có sự chọn lọc, trân trọng sản phẩm nhiều hơn khi thưởng thức. Bây giờ ở trên mạng, tìm cái gì cũng có, mọi thứ quá dễ dàng. Thói quen của người Việt là chỗ nào mất tiền thì họ bỏ đi tới chỗ không mất tiền. Trả phí cho nghệ sĩ nên là tương lai của nền âm nhạc Việt Nam.
Cám ơn Erik vì cuộc trò chuyện!
0 Comments: