Thứ Tư, 19 tháng 8, 2020

Những 'thiên tài Huawei': Không thông minh bẩm sinh, từng thất bại và giờ có mức lương lên đến hơn 6 tỉ đồng/năm nhờ cách giáo dục của gia đình

Thành công của các "thiên tài" hôm nay không thể thiếu được bóng dáng những người cha người mẹ luôn ở phía sau, dìu dắt họ suốt quá trình học tập và trưởng thành.

Thông tin về những nhân viên tuy trẻ tuổi nhưng đã sở hữu mức lương cao chót vót tại tập đoàn Huawei đang là đề tài bàn luận sôi nổi trên các phương tiện truyền thông xã hội Trung Quốc. 

Đầu tháng 8/2020, “Thiếu niên thiên tài” - một dự án tuyển dụng nổi tiếng của tập đoàn Huawei - đã công bố 4 gương mặt nhân viên mới vừa được nhận vào làm việc sau khi đã trải qua quá trình tuyển chọn gắt gao. Trong đó, Trương Tế và Diêu Đình với thành tích xuất sắc và mức lương cao ngất ngưởng so với mặt bằng chung (khoảng 140 - 201 vạn tệ/năm tương đương 4,7 - 6,7 tỉ đồng/năm) là 2 gương mặt sáng giá giành được nhiều sự quan tâm nhất.

Trương Tế (trái) và Diêu Đình - 2 gương mặt xuất sắc trong dự án “Thiếu niên thiên tài” của tập đoàn Huawei

Nhiều người sau khi hay tin đều cho rằng cho rằng những thanh niên này đều là thiên tài bẩm sinh. Tuy nhiên trong thực tế, thành công mà Trương Tế và Diêu Đình gặt hái được ngày hôm nay đều xuất phát từ cách giáo dục khác biệt của những bậc phụ huynh. Phương pháp giáo dục của bố mẹ hai người đều khiến cho cộng đồng mạng cảm thấy ngưỡng mộ.

Vậy đâu là cách thức mà bố mẹ những “thiên tài” này đã đào tạo con cái?

1. Thành tích không quyết định thành công, trau dồi phẩm chất mới là điều quan trọng nhất.

Trương Tế tiết lộ rằng trong quãng thời gian đi học của mình, không phải lúc nào anh cũng đạt được kết quả cao. Năm nhất đại học, thành tích học tập của anh tệ đến mức anh phải nghỉ ở nhà ôn thi lại nhưng cũng chỉ đỗ vào một ngôi trường “bậc 3” ở Trung Quốc. Trương Tế cho rằng bố mẹ có vai trò ảnh hưởng rất lớn trong việc định hướng suy nghĩ của anh. Nhờ có những điều bố mẹ dạy dỗ, Trương Tế mới có khả năng đạt được thành công của ngày hôm nay.

Bố của Trương Tế là một giáo viên tiểu học, còn mẹ anh là một giáo viên mầm non. Từ nhỏ, bố mẹ anh đã không đặt nặng thành tích mà cho rằng trau dồi đức tính tốt mới là điều cần được ưu tiên. Trương Tế chưa bao giờ bị ép buộc đi đến những lớp học thêm. Thay vào đó, anh được bố mẹ trao cho quyền tự quyết định để rèn luyện sự độc lập tự chủ trong tính cách và tinh thần không bỏ cuộc trong lúc làm việc. 

Bố mẹ của chàng trai 28 tuổi này giải thích với anh rằng những con người ưu tú thật sự là những người sở hữu con đường học tập ổn định, không nhất thiết phải tài giỏi hay nhanh chóng hơn người khác. Chính nhờ những lời nói này của bố mẹ mà trong suốt 10 năm về sau, Trương Tế đã có một quá trình học hành vững chắc, chủ động trong việc tìm tòi kiến thức và không bao giờ bỏ cuộc.

Những “thiên tài Huawei”: Không thông minh bẩm sinh, từng thất bại và giờ có mức lương lên đến hơn 6 tỉ đồng/năm nhờ cách giáo dục của gia đình - Ảnh 2.

Trương Tế (sinh năm 1993) là cựu sinh viên của Học viện công nghệ Vũ Xương, hiện đang có mức lương từ 6 - 6,7 tỉ đồng/năm.

Trương Tế cho hay: "Những phẩm chất tốt có thể không mang lại những lợi ích ngay lập tức, nhưng sẽ có ích trong quá trình trưởng thành lâu dài của một người”. Để giáo dục thành công một đứa trẻ, thay vì kiểm soát trẻ và ép con học hành, các bậc phụ huynh nên dành thời gian trau dồi nên những đức tính tốt cho trẻ như độc lập trong suy nghĩ, tự giác và không bỏ cuộc khi học hành.

2. Thành lập những thói quen tốt để giúp trẻ phát triển.

Sự thành công của Diêu Đình cũng gắn liền với sự giáo dục từ gia đình cô. Cô gái này tự nhận xét bản thân: “Thật ra tôi không phải chăm chỉ gì, càng không phải thiên tài bẩm sinh. Tôi đã từng gặp nhiều người nỗ lực hơn tôi, tài giỏi hơn tôi”. Diêu Đình tin rằng, chính do việc thực hiện thường xuyên những thói quen tốt do được cha mẹ giáo dục đã khiến cô đạt được thành tích như bây giờ. Những thói quen đó bao gồm:

Xác định mục tiêu rõ ràng

Giáo viên của Diêu Đình cho biết: “Diêu Đình có kế hoạch học tập rõ ràng, biết lúc nào nên làm gì để việc học đạt được hiệu quả tốt”.

Tự giác và tập trung

Giáo viên của Diêu Đình nhận xét thêm: “Khi mới nhập học, điểm số của Diêu Đình không phải cao nhất, nhưng em ấy học ra học chơi ra chơi. Một khi đã tập trung, em ấy sẽ không bị ảnh hưởng bởi môi trường bên ngoài”. Ngoài ra, cô gái này vô cùng tự giác khi nghiên cứu đề tài hay viết luận, không cần ai nhắc nhở.

Những “thiên tài Huawei”: Không thông minh bẩm sinh, từng thất bại và giờ có mức lương lên đến hơn 6 tỉ đồng/năm nhờ cách giáo dục của gia đình - Ảnh 3.

Diêu Đình khiến nhiều người ngưỡng mộ vì sở hữu nhan sắc xinh đẹp và thành tích khủng, hiện đang có mức lương từ 4,7 - 5,2 tỉ đồng/năm.

Dám thử thách, không sợ thất bại

Thật ra Diêu Đình cũng đã từng trải qua thất bại khi không đỗ vào một ngôi trường mà cô ấy mong muốn. Tuy nhiên thay vì thất vọng, Diêu Đình đã tự khích lệ bản thân bằng cách viết vào nhật ký một đoạn thế này: “Ở bất cứ nơi nào tôi có thể tiến bộ và bứt phá nhờ làm việc chăm chỉ thì đều là nơi mà tôi yêu thích”.

Sự thành công đến từ những phẩm chất tuyệt vời này của Diêu Đình đã chứng tỏ rằng việc giáo dục cho con trẻ những thói quen tốt sẽ là khởi đầu cho sự thành đạt trong tương lai của con. “Môi trường học tập, thói quen sinh hoạt, phẩm chất, tính cách,... Gia đình chính là bến đỗ tâm hồn của tôi, là nguồn năng lượng không ngừng bổ sung cho tôi”, cô gái khẳng định.

Những “thiên tài Huawei”: Không thông minh bẩm sinh, từng thất bại và giờ có mức lương lên đến hơn 6 tỉ đồng/năm nhờ cách giáo dục của gia đình - Ảnh 4.

Được làm việc tại một tập đoàn viễn thông có tiếng như Huawei là ước mơ của nhiều bạn trẻ Trung Quốc (Ảnh: Internet)

Đứng trước trường hợp của những “thiên tài” như Diêu Đình và Trương Tế, cư dân mạng đồng loạt đặt ra câu hỏi: “Những sinh viên nằm trong top 1% này là dựa vào năng lực hay sự chăm chỉ?”.

Một nghiên cứu tâm lý học gần đây là khảo sát về yếu tố nào có thể ảnh hưởng nhiều nhất đến kết quả học tập của sinh viên đại học. Trước tiên, các nhà nghiên cứu liệt kê tất cả những câu trả lời, chẳng hạn như tích cực, vui vẻ, hài hước, nghiêm khắc, hoạt ngôn, điềm tĩnh, hướng nội, thích đọc sách,... Hàng trăm sinh viên đã được yêu cầu thực hiện khảo sát này. Câu trả lời được đưa ra: Không phải là năng lực, càng không phải sự nỗ lực. Điều thực sự quyết định thành công chính là sự tự giác chủ động của người học.

Là bậc cha mẹ, chúng ta luôn mong muốn dành cho con mình những điều tốt đẹp nhất. Tuy nhiên, đừng than thở khi thấy “con nhà người ta” xuất sắc và thành công hơn con cái chúng ta. Ý nghĩa thật sự của giáo dục không phải là thành tích học tập xuất sắc mà là cha mẹ giúp nuôi dưỡng những đức tính và thói quen tốt cho con cái của họ. Chính những phẩm chất này sẽ là hành trang tốt nhất mà cha mẹ dành cho con cái, đồng hành với con cái và giúp đỡ cho chúng vượt qua những khó khăn trong quá trình trưởng thành.

Nguồn: Sohu


0 Comments: