Những vị khách bị mắc kẹt ở lại Đà Nẵng đã cùng cộng đồng F&B nấu hàng nghìn suất cơm không chỉ ngon, hấp dẫn mà còn đảm bảo tiêu chuẩn “sạch” để cung cấp miễn phí cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch.
"Mình nên làm một việc gì đó để giúp đỡ cho thành phố này"
Cuối tháng 7, sau khóa tập huấn 4 ngày tại Đà Nẵng, cô Nguyễn Trúc Chi (SN 1970), giám đốc một công ty chuyên tư vấn đào tạo ngành nhà hàng và ăn uống tại TP.HCM, bị "kẹt" lại Đà Nẵng vì dịch Covid-19.
Với những vị khách mắc kẹt lại ở Đà Nẵng như cô Chi, mọi người sẽ có nhiều sự lựa chọn như lên một chuyến bay về quê nhà và được đưa vào cách ly 14 ngày hoặc ở nhờ một người quen tại Đà Nẵng… Nhưng riêng cô Chi, những ngày ở Đà Nẵng là quãng thời gian ý nghĩa.
"Lúc mới xảy ra dịch, nghĩ bây giờ bay về cũng không an toàn nên tôi quyết định ở lại. Sau đó, thấy Đà Nẵng gặp nhiều khó khăn vì dịch bệnh lây lan, tôi nghĩ rằng mình nên làm một việc gì đó để giúp đỡ cho thành phố này", cô Chi kể.
Thay vì lên chuyến bay "giải cứu" du khách, họ đã chọn ở lại Đà Nẵng và nhóm lên những bếp lửa yêu thương, nấu những suất ăn phục vụ miễn phí cho tuyến đầu chống dịch.
Nghĩ là làm, ngay khi Đà Nẵng ban hành lệnh cách ly, cô Chi đã chủ động liên lạc với các chủ những nhà hàng ở Đà Nẵng rồi chia sẻ về ý tưởng thành lập một bếp ăn bảo đảm tiêu chuẩn ngon, sạch sẽ, vệ sinh để cung cấp những suất cơm "VIP" cho lực lượng làm nhiệm vụ ở tuyến đầu.
Chỉ sau một ngày kêu gọi, đã có hơn 100 thành viên là ông chủ, quản lý cấp cao của các nhà hàng lớn đang hoạt động ở Đà Nẵng tham gia, với tinh thần "ai có gì góp nấy". Sáng 1/8, bếp của Da Nang Kitchen đã "đỏ lửa" và bắt đầu cung cấp những suất cơm đầu tiên cho "tâm dịch".
Các tình nguyện viên muốn tham gia nấu ăn phải được xét nghiệm Covid-19 trước, khai báo y tế, ghi tên đánh dấu giờ ra-vào bếp, rửa tay sát khuẩn, đo thân nhiệt và luôn đeo khẩu trang, bao tay trong suốt quá trình chế biến.
Các chủ nhà hàng, chuyên gia ẩm thực, đầu bếp 5 sao, mỗi người chia nhau một công đoạn, khẩn trương nấu những suất cơm thật ngon gửi đến các y bác sĩ và người dân tại khu cách ly.
Thay vì lên chuyến bay "giải cứu" du khách để về TP.HCM, cô Chi đã chọn ở lại, góp sức cho Đà Nẵng!
Sau 2 tuần hoạt động, đến nay Da Nang Kitchen đã triển khai được 4 bếp ở 3 quận Hải Châu, Sơn Trà và Liên Chiểu. Hiện, cả 4 bếp này có gần 100 tình nguyện viên luân phiên nhau tham gia, hỗ trợ.
Nhà hàng do anh Trần Phi Long làm quản lý là bếp ăn thứ 3 sau 2 bếp ở quận Sơn Trà và Hải Châu của Da Nang Kitchen. Theo anh Long, ngày Hà Nội hết cách ly xã hội, cuối tháng 4, anh bay vào Đà Nẵng để xây dựng một beer club có tầm nhìn về phía sông Hàn, nằm trong chuỗi nhà hàng mà mình đang quản lý.
Cuối tháng 7, nhà hàng hoàn thiện khâu trang trí cuối cùng và dự định khai trương vào ngày đầu tiên của tháng 8. Thế nhưng, khi mọi thứ đã gần xong xuôi thì ngày 25/7, 1 người đàn ông 57 tuổi được xác nhận mắc Covid-19 (bệnh nhân 416). 3 ngày sau, Đà Nẵng thực hiện cách ly xã hội hơn 1,1 triệu dân, mọi phương tiện vận chuyển khách đến và đi đều dừng hoạt động. Anh Long bị kẹt lại tâm dịch.
Anh Long tỉ mỉ chuẩn bị các suất cơm và "không còn tí dáng vẻ nào của một quản lý cấp cao".
Không yên lòng khi chứng kiến mỗi ngày trôi qua, Đà Nẵng lại có thêm hàng chục ca nhiễm mới, khi nghe cô Chi kêu gọi, anh Long lập tức tham gia "chia lửa" cùng. Thế là, ngày 1/8 đến, không có lễ khai trương nào diễn ra như dự tính và cũng chẳng có hoa tươi chúc mừng. 7 giờ sáng, tại nhà hàng này, chỉ có hàng chục đầu bếp kín mít khẩu trang, đội mũ nylon trùm đầu, đeo găng tay và hối hả nấu nướng, đóng gói hơn 2.000 suất cơm canh chuyển đến các bệnh viện, khu cách ly.
Trong bộ áo quần ám đầy mùi thức ăn, cặm cụi xếp từng hộp cơm vào thùng xốp để kịp mang đến khu cách ly, anh Long chia sẻ: "Chúng tôi muốn góp một chút công sức để chia sẻ cùng Đà Nẵng trong giai đoạn khó khắn này. Và cũng để nhanh đẩy lùi được dịch bệnh rồi mới nghĩ đến việc kiếm tiền được".
Thực đơn được thay đổi liên tục mỗi ngày để người ăn không bị ngán và luôn được đảm bảo tiêu chí: "Ngon - Bổ - Sạch".
Cũng tình nguyện ở lại tâm dịch để góp sức cho Đà Nẵng, chị Lê Thị Bích Hương, giám đốc truyền thông của 1 khu du lịch tại Đà Nẵng cho biết, trước khi Đà Nẵng cách ly xã hội, chứng kiến nhiều đoàn người vội vã rời khỏi tâm dịch, chị cũng "nóng lòng" lắm. Tuy nhiên, sau một thoáng chần chừ, chị quyết định bốc máy gọi về nhà "Lần này con không về đâu", mặc cho mẹ chị kêu than vì lo lắng.
"Trong đợt dịch đầu tiên vào đầu tháng 3, khi Đà Nẵng ghi nhận 6 ca Covid-19 chủ yếu là du khách nước ngoài, tôi đã xách vali ra thẳng sân bay về quê ở miền Tây để tránh dịch suốt 2 tháng. Nhưng lần này, Đà Nẵng trở thành tâm dịch, đi về không an toàn và biết ý tưởng của cô Chi nên tôi đã ở lại để tham gia, với mong muốn góp một chút sức lực cho thành phố nơi mình đang làm việc", chị Bích Hương kể.
Sẽ "đỏ lửa" đến khi Đà Nẵng hết dịch
Để đảm bảo giữ khoảng cách an toàn trong mùa dịch, các bếp ăn đều chia mỗi ngày 2 ca, mỗi ca chỉ có khoảng 10 - 15 tình nguyện viên làm việc trong bếp. Các tình nguyện viên không chỉ là các bạn sinh viên mà còn là quản lý các chuỗi nhà hàng lớn, đầu bếp của các nhà hàng, khách sạn 5 sao...
Toàn bộ quy trình từ khâu chuẩn bị đến lúc cơm được chuyển đến khu cách ly, phong tỏa đều được cô Chi nghiên cứu và triển khai, áp dụng đồng đều ở tất cả các bếp. Trước khi vào khu bếp, các tình nguyện viên đều phải khai báo y tế, ghi tên vào sổ để quản lý giờ vào, giờ ra, đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn. Trong quá trình làm việc, tất cả đều phải đeo 2 lớp khẩu trang, đeo bao tay, mũ bảo hộ... Đặc biệt, những ai tham gia nấu cơm đều được xét nghiệm Covid-19 trước.
Các đầu bếp luôn cố gắng giữ khoảng cách 2m, đeo khẩu trang và xịt khuẩn liên tục. Mỗi ngày, họ chia 3 ca, mỗi ca khoảng mười người, không quá đông để đảm bảo an toàn phòng dịch.
Hằng ngày, công việc ở các "bếp lửa nghĩa tình" này bắt đầu từ 3 giờ sáng và kết thúc lúc 21 giờ, từ khâu vận chuyển nguyên liệu, sơ chế, chế biến, đóng gói và vận chuyển đi.
Hiện, Da Nang Kitchen nhận được sự hỗ trợ của hơn 100 nhà hàng, cửa hàng kinh doanh ăn uống trên địa bàn từ khâu cung cấp nguyên liệu, hỗ trợ kinh phí, nhân lực, địa điểm, phương tiện vận tải. Tại đây, ai có gì góp nấy và dựa trên những nguyên liệu đó, đầu bếp chính sẽ tự cân đối, lên thực đơn để chế biến món ăn cho mỗi ngày.
Đặc biệt, trước khi chuyển đến tay các y bác sĩ, bệnh nhân và lực lượng tuyến đầu chống dịch, tất cả hộp cơm và thức ăn đều được chiếu đèn UV khử khuẩn, sau đó chuyển sang máy đóng nắp tự động để đảm bảo được tiệt trùng.
"Mình làm thiện nguyện trong mùa dịch, vì vậy, an toàn phải là yếu tố hàng đầu. Nếu không đảm bảo sự an toàn thì mỗi hộp cơm trao đến tay các y bác sĩ, bệnh nhân hay lực lượng chống dịch đều có thể trao kèm virus", cô Chi giải thích.
Các phần cơm sau khi được bỏ đầy đủ cơm, rau, đồ xào, đồ mặn vào hộp sẽ được mang đến khu vực khử khuẩn.
Tại đây, tất cả hộp cơm và thức ăn sẽ được chiếu đèn UV khử khuẩn.
Sau khi được khử khuẩn, các suất ăn sẽ được đóng nắp tự động bằng máy để bảo đảm mọi hộp cơm chuyển đến tay các y bác sĩ, bệnh nhân, lực lượng tuyến đầu chống dịch phải sạch khuẩn.
Các bếp ăn đều có chuỗi cung ứng riêng và thực hiện theo quy định an toàn thực phẩm của Sở Y tế.
Cô Chi cho biết thêm, mỗi ngày, Da Nang Kitchen sẽ nhận được thông báo về số lượng hộp cơm, địa điểm và số điện thoại liên hệ của các đầu mối nhận cơm ở các điểm từ Sở Y tế Đà Nẵng. Trên cơ sở đó, ban điều hành sẽ phân bổ số lượng suất cơm phải nấu tại các bếp sao cho hợp lý nhất, không để xảy ra tình trạng thừa mứa, gây lãng phí thức ăn. Trung bình, mỗi ngày, "bếp ăn nghĩa tình" ngày có thể cung cấp 2000 - 4000 suất cơm cho các khu cách ly, khu phong tỏa.
Để vận hành một nhóm từ thiện với hàng chục chủ các nhà hàng doanh nghiệp và hàng trăm tình nguyện viên là một điều không phải dễ. Nhất là khi công việc từ thiện làm không khéo có thể gây phản ứng ngược, khiến dư luận cho rằng "làm màu". Do đó, trong các cuộc trao đổi của Ban Điều hành, cô Chi thường quan niệm, làm việc cùng nhóm Danang Kitchen, mỗi tình nguyện viên, mỗi chủ doanh nghiệp cần có một cái tâm, có một tình yêu thực tâm với Đà Nẵng. Có như thế, nhóm mới hoạt động bền vững và nhận được sự tin tưởng của xã hội.
Cảm động hơn, trong thời gian chọn ở lại Đà Nẵng, cô Chi đã không thể ở bên con lớn của mình đang thi tốt nghiệp THPT và cũng bỏ lỡ sự kiện khai trương một nhà hàng do cô làm chủ, vào ngày 10/8 ở TP.HCM.
"Dự định của Da Nang Kitchen là sẽ đỏ lửa đến khi Đà Nẵng hết dịch nên tôi chưa biết rõ thời gian mình có thể về lại nhà, có thể là hết dịch mà cũng có thể là khi mọi việc ở đây ổn định", cô Chi tâm sự.
Chị Bích Hương chia sẻ, hết Covid-19, chị sẽ đặt vé máy bay sớm nhất về miền Tây để ba mẹ thấy mặt, yên lòng. "Còn bây giờ, mình muốn ở lại, góp sức cùng Đà Nẵng chống dịch".
Hàng nghìn suất ăn "VIP" đầy đủ chất dinh dưỡng và thấm đậm nghĩa tình đã được Da Nang Kitchen chuyển đến phục vụ miễn phí cho các khu cách ly vào 11 giờ và 17 giờ hằng ngày.
Suốt hơn nửa tháng cùng "đồng đội" góp cơm "5 sao" chống dịch, chị Bích Hương cho biết, mong muốn của Da Nang Kitchen là sẽ lan tỏa quy trình nấu cơm sạch, chuẩn đến các bếp cơm thiện nguyện trên địa bàn để các y bác sĩ, lực lượng tuyến đầu chống dịch có những bữa ăn chất lượng, đủ sức khỏe để "chiến đấu" với đại dịch.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì và mở rộng các bếp của Da Nang Kitchen để có thể hỗ trợ nhiều hơn nữa lực lượng tuyến đầu chống dịch. Sau này, khi tình hình dịch được kiểm soát, chúng tôi vẫn sẽ được duy trì để hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn, người vô gia cư, người lao động nghèo...", chị Bích Hương trải lòng.
0 Comments: